Trong lịch sử, Thái Nguyên được xem là “cái nôi” của ngành công nghiệp luyện kim cả nước. Phát huy truyền thống, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên tập trung nguồn lực cho phát triển công nghiệp nhằm tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Những chỉ số tích cực
Bám sát mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững và thu được nhiều thành tựu quan trọng.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2023, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh tăng bình quân 7,5%/năm; quy mô giá trị SXCN đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Khởi sắc trong SXCN còn thể hiện qua sức hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu như cuối năm 2010, Thái Nguyên xếp thứ hạng 45/63 tỉnh, thành trong thu hút FDI thì từ năm 2013 nhờ khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD của Tập đoàn Samsung, dòng vốn FDI chảy vào tỉnh liên tục tăng mạnh. Lũy kế đến nay, Thái Nguyên thu hút 178 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 10,6 tỷ USD, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Minh chứng năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,56%, dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng kinh tế trong vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Năm 2024, dự ước GRDP của tỉnh tăng 6,5% và cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại – lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 58%; tiếp đến là dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm hơn 30%, còn lại là nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, ngành Công nghiệp còn đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Thái Nguyên đã khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và nổi lên là cực tăng trưởng mới của cả nước, đứng đầu các tỉnh trong vùng, đứng thứ 4 cả nước về giá trị SXCN.
Dư địa lớn, triển vọng cao
Để có được kết quả trên, Thái Nguyên đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Nhờ đó, đến nay, 5/11 khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy trên 90%.
Cùng với phát triển các KCN, Thái Nguyên cũng ngày càng quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về phát triển công nghiệp phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước. Trong đó, nổi bật có thể kể đến như Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Theo ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư: Triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, các doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ tích cực trên nhiều lĩnh vực như: Thuế, tài chính; tiếp cận thị trường… Đặc biệt, các thủ tục hành chính về đầu tư sản xuất – kinh doanh cũng được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện.
Ông Koo Jin Seo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dowooinsys Vina, KCN Sông Công II: Hạ tầng các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại và chính quyền thân thiện là cơ sở để chúng tôi tin tưởng lựa chọn đầu tư vào Thái Nguyên. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch mở rộng thêm 1 nhà máy tại Thái Nguyên, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2025.
Với dư địa tương đối lớn cùng các chính sách đồng hành, hỗ trợ tích cực của tỉnh, các chuyên gia nhận định thời gian tới, quy mô giá trị SXCN của Thái Nguyên sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 2 triệu tỷ đồng (năm 2024 dự ước đạt 1.030 nghìn tỷ đồng). Từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.