Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có 871 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký đạt 7.407 tỷ đồng. Quy mô vốn của các doanh nghiệp mới thành lập bình quân đạt 8,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 398 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng, tăng 1% so với năm 2023.
Ở chiều ngược lại, trong năm, toàn tỉnh có 927 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 15,9% so với năm trước và 614 doanh nghiệp đóng mã số thuế, giảm 16,9% so với năm trước. Như vậy, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thì trường năm 2024 là 1.541 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 1.269 doanh nghiệp. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 10.500 doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ đăng ký hơn 160.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của ngành chức năng trong vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới là thực trạng chung của nền kinh tế Việt Nam, không riêng gì ở Thái Nguyên. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều chính sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.
Nguyên nhân được cho là do tình hình kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19 và tác động từ những biến động địa chính trị trên thế giới khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu. Mặt khác, phần lớn những doanh nghiệp giải thể là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (quy mô nguồn vốn dưới 10 tỷ đồng) nên năng lực cạnh tranh, sức chống chọi với khó khăn thấp hơn so với những doanh nghiệp có quy mô lớn.